Khởi nghiệp đạo đời Gioakim Đặng Đức Tuấn

Từ nhỏ, ông có tiếng là thông minh, tuy nhiên sự nghiệp Hán học ông không thành đạt khoa bảng. Năm Ất Dậu 1825, ông dự khoa thi Hương tại Thừa Thiên, vào đến Tam trường nhưng vì chép đề thi sai sót một chữ nên bị đánh hỏng vì lạc đề. Ông trở về làng, làm thầy đồ trong làng.

Khoảng giữa thập niên 1840, ông được giới thiệu đến Giám mục Cuénot Thể cho vị trí giáo sư Hán văn tại Chủng viên Penang (thuộc Malaysia ngày nay). Năm 1846, ông được đưa vào Gia Định, sau đó xuống tàu đi Penang. Tại Chủng viện Penang, ngoài việc dạy Hán văn, ông còn nghiên cứu và học thêm tiếng Pháptiếng Latin, cũng như nhiều kiến thức văn hóa Tây phương. Được sự bảo lãnh của linh mục Giám đốc Đại chủng viện Penang và được sự chấp thuận của Giám mục Cuénot Thể, ông được nhận làm chủng sinh khi đã lớn tuổi.

Sau 7 năm học ở chủng viện, ông được thụ phong chức Phó tế và trở về quê hương. Sau một thời gian phục vụ tại Giáo phận Đông Đàng Trong, năm 1856, ông được Giám mục Cuénot Thể truyền chức linh mục tại Tòa Giám mục Gò Thị và được bổ nhiệm làm việc tại Tư Ngãi (Quảng Ngãi ngày nay).